Phong tục ăn cỗ lấy phần đã có từ xa xưa tại nhiều vùng nông thôn Bắc Bộ. Đây được xem là một nét đẹp văn hóa đề cao sự sẻ chia được lưu truyền nhiều đời. Cùng giải mã giấc mơ tìm hiểu về vấn đề này trong bối cảnh hiện đại với bài viết sau.
Mục Lục Bài Viết
Hiểu đúng về phong tục ăn cỗ lấy phần
Trước đây, ở rất nhiều miền quê Bắc Bộ, chủ nhà sẽ sắp xếp để những món ngon để người đi ăn cỗ mang về trong các dịp đám giỗ hay đám cưới. Ở đây, những món nóng sẽ được dọn cho khách, còn những món nguội như hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt, xôi, gà, thịt, tôm, giò… sẽ được gói vào túi bóng để mang đi biếu.
Vì sao có phong tục ăn cỗ lấy phần?
Văn hóa ăn cỗ lấy phần này đã có từ xa xưa và được lưu truyền qua nhiều đời. Trước đây, cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn rất khó khăn, thậm chí phải nói là nghèo đói.
Nếu gia đình có đông con cái thì việc kiếm miếng ăn quanh năm là điều vô cùng khó khăn. Vì thế, hiếm khi có cơ hội được ăn những món ngon. Phải là lễ, tết, đám giỗ hay đám cưới thì mới được ăn những món ngon. Những dịp đặc biệt như thế này thì một năm chỉ có đôi ba lần.
Thế nên, khi một gia đình có miếng ngon, họ muốn chia sẻ với nhiều người thân, hàng xóm. Khi có đám tiệc, chủ nhà sẽ gói những miếng ngon để khách mang về chia cho con cháu ở nhà.
Ý nghĩa của phong tục ăn cỗ lấy phần trong dân gian
Bất kỳ một phong tục nào được duy trì lâu đời đều có ý nghĩa riêng. Không phải ngẫu nhiên mà đến tận bây giờ, văn hóa ăn cỗ lấy phần vẫn còn được duy trì ở nhiều làng quê Việt Nam.
Văn hóa sẻ chia, đồng cam cộng khổ của người Việt
Khi đi ăn cỗ, một người sẽ đại diện cho gia đình khi được mời. Tuy nhiên, với người Việt, miếng ngon thì không ai muốn ăn một mình, đặc biệt là khi trong nhà có trẻ con.
Sự chia sẻ miếng ngon mang về không chỉ mang lại niềm vui cho con trẻ và người ở nhà. Phong tục này còn thể hiện nét đẹp “nhường cơm sẻ áo”, chia sẻ vui buồn và hoạn nạn của người Việt.
Phong tục ăn cỗ lấy phần này còn kéo mọi người trong xóm làng lại gần nhau hơn. Họ sẽ phụ nhau chuẩn bị những mâm cỗ và chia nhau đem về cho con cháu sau khi tiệc tàn. Điều này làm vui lòng cả chủ nhà lẫn người đến phụ giúp.
Phong tục ăn cỗ lấy phần là lời nhắc nhở về tính cần kiệm
Ngày xưa, người ta chưa có tủ lạnh cũng như những hình thức bảo quản thức ăn. Mâm cỗ nếu đã chế biến và còn thừa thì sẽ rất nhanh hỏng. Vì thế, phong tục ăn cỗ lấy phần cũng sẽ giúp gia chủ chia bớt thức ăn, tránh để thừa, gây lãng phí.
Đến hiện tại, việc bảo quản đồ ăn đã dễ dàng hơn nhưng người ta vẫn duy trì phong tục gói mang về cho người đến ăn cỗ. Điều này vừa như thói quen, vừa là một lời nhắc nhở cho nhau về sự tiết kiệm và tính sẻ chia trong cuộc sống.
Vì sao lại có tranh cãi về phong tục ăn cỗ lấy phần?
Có một thời điểm văn hóa ăn cỗ lấy phần này lại gây tranh cãi trong xã hội. Nhiều người cho rằng đã qua thời đói kém, đời sống đã ổn định, việc ăn uống không còn quá khó khăn. Việc đi ăn cỗ và gói mang về bị xem là lạc hậu và làm mất mặt.
Chuyện trở nên căng thẳng khi một địa phương đưa ra hình phạt bằng tiền cho hình thức đến ăn cỗ và mang về. Điều này dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội trong dư luận xã hội. Một bộ phận ủng hộ thì cho rằng đây là cách để xây dựng một nếp sống văn minh.
Người phản đối đưa ra lý lẽ phong tục ăn cỗ lấy phần là nét văn hóa đẹp xuất phát từ tấm lòng hiếu khách của gia chủ. Không ai bị ép buộc phải chia phần, không ai bị ép phải lấy mang về. Tất cả xuất phát từ tình cảm gắn kết, thân thiết và sẻ chia với nhau nên không có gì phải cấm.
Có nên duy trì phong tục ăn cỗ lấy phần trong thời hiện đại?
Đến nay, người ta vẫn tranh cãi về câu chuyện có nên duy trì những phong tục như ăn cỗ lấy phần mang về không. Nếu thực hiện một cách văn minh, đẹp lòng đôi bên thì không có gì đáng xấu hổ.
Tất cả những phong tục của người Việt xuất phát từ tình cảm yêu mến, sự sẻ chia ngọt bùi với nhau. Vì thế, không việc gì phải vì thể diện hay những thành kiến mà bỏ đi một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt.
Lời kết
Trên đây là giải thích chi tiết về phong tục ăn cỗ lấy phần trong dân gian Việt Nam. Văn hóa này có phải là lạc hậu hay không còn tùy thuộc vào cách áp dụng ra sao. Việc duy trì phong tục này vẫn là một cách lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa nhiều đời của ông bà xưa.